Trẻ 6 tuổi có những thay đổi lớn về mặt thể chất và tâm lý. Đặc biệt, khi trẻ phải chuyển môi trường học tập từ mẫu giáo lên tiểu học, thì ba mẹ lại càng cần phải quan tâm đến những thay đổi của con.
Lớp tiền tiểu học có những tác động nhất định giúp con nhanh chóng làm quen với các thói quen học tập mới ở cấp tiểu học. Bài viết sẽ giúp ba mẹ giải đáp những thắc mắc cơ bản về các lớp học này.
Mục Lục
1. Tiền tiểu học là gì?
Tiền tiểu học thường chỉ giai đoạn khi các bé đã được 5 tuổi và chuẩn bị vào lớp 1. Năm đầu tiên của cấp học tiểu học rất quan trọng vì các bé sẽ rời xa sự chăm bẵm hàng ngày của các giáo viên mầm non và ba mẹ để trở nên tự lập hơn và làm quen với môi trường kỷ luật mới.

Những thay đổi môi trường học tập ở giai đoạn này có thể là trở ngại và gây nhiều bỡ ngỡ cho các bạn nhỏ. Đó là lý do vì sao nhiều ba mẹ lựa chọn các lớp tiền tiểu học cho con trong khoảng thời gian 3-6 tháng trước khi vào lớp 1.
2. Tầm quan trọng của lớp tiền tiểu học
Việc cho con học tiền tiểu học có tầm quan trọng nhất định đối với trẻ. Nó phần nào giúp trẻ chuẩn bị trước về mặt tinh thần cũng như làm quen dần với các kiến thức của cấp học mới. Các bé sẽ ít bỡ ngỡ hơn khi phải đối mặt với cách học nghiêm túc của lớp 1.
Ba mẹ cũng không cần lo lắng vì đa phần các lớp học này sẽ không nhồi nhét kiến thức cho các con mà chủ yếu dạy bé các kỹ năng cần có khi vào tiểu học như cung cấp môi trường học tập, dạy trẻ tập viết, tư thế ngồi học, tác phong cần có khi lên lớp… Như vậy, trẻ sẽ tự tin hơn khi bước vào năm học mới.

3. Ưu, nhược điểm của việc học tiền tiểu học
Hiện tại, có hai luồng ý kiến trái ngược xung quanh việc cho con tham gia các lớp tiền tiểu học. Nhiều phụ huynh cho rằng cần cho con tham gia các lớp học này, một số khác lại cho rằng điều đó là không cần thiết.
Hãy cùng phân tích các ưu nhược điểm để giúp ba mẹ đưa ra quyết định phù hợp nhất với con mình.
3.1. Ưu điểm
Giúp trẻ bớt bỡ ngỡ: Do thay đổi môi trường học từ vừa học vừa chơi sang ngồi học nghiêm túc, trẻ ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc học tiền tiểu học như một bước đệm giúp trẻ thích nghi nhanh hơn với hoàn cảnh mới.
Giúp trẻ không bị thụt lùi: Ở cấp tiểu học, một lớp có thể có rất đông học sinh và các cô giáo khó có thể quan tâm đến từng bạn một.

Chưa kể thời gian học trên lớp ít, đôi khi chương trình bị đi nhanh khiến cho một số bạn nhỏ không theo kịp. Tham gia các lớp tiền tiểu học là một cách để trẻ không bị thụt lùi với các bạn cùng lớp.
3.2. Nhược điểm
Dễ khiến bé mệt mỏi: Dù sao thì các bé vẫn quen với việc ở nhà chơi với ông bà, ba mẹ hoặc đến lớp chơi với các bạn, nên việc cho con ngồi học nghiêm túc sớm có thể gây áp lực nhất định cho trẻ.
Có thể hạn chế khả năng phát triển thích nghi của trẻ: Một số ý kiến cho rằng việc cho trẻ học trước sẽ hạn chế khả năng tư duy sáng tạo và thích nghi tự nhiên của trẻ.
Tạo tâm lý chủ quan ở lớp 1: Vì được tiếp xúc trước với một số kiến thức, nên khi chính thức vào lớp 1, trẻ dễ cảm thấy chán khi phải học lại, và chủ quan không tập trung nghe cô giáo nói vì cho rằng mình đã biết rồi.
Có thể gây khó khăn cho bé khi lên những lớp lớn hơn: Thói quen chủ quan không nghe giảng nếu được hình thành từ sớm sẽ dễ ảnh hưởng đến việc tập trung trên lớp của bé sau này.
4. Lời kết
Vậy là ba mẹ đã nắm được sơ qua tiền tiểu học là gì và tầm quan trọng của lớp tiền tiểu học. Cho hay không cho trẻ tham gia các lớp học này đều có những ưu và nhược điểm mà ba mẹ cần phải cân nhắc. Tuy nhiên, quyết định lại phụ thuộc vào tâm lý của bé.

Nếu bé sẵn sàng cho việc tiếp thu các kiến thức mới với cách học mới, ba mẹ hoàn toàn có thể cho con học tiền tiểu học. Còn nếu ba mẹ thấy con bị áp lực, chưa thích học thì cũng không nên bắt ép con quá dẫn đến phản tác dụng.
Ba mẹ nên tìm hiểu các cách truyền đạt kiến thức khác phù hợp với con mình hoặc cứ để trẻ phát triển tự nhiên. Trẻ đến tuổi đi học, khi được đưa đến môi trường mới có các bạn và thầy cô, trẻ sẽ tự tìm tòi xoay sở để thích ứng theo cách mà trẻ thấy thoải mái nhất.
Xin chào và hẹn gặp lại trên ilovetienganh.
Fanpage: fb.com/blogilovetienganh/.