Định nghĩa toán tiền tiểu học và lưu ý cho ba mẹ muốn con học tốt

Tiếp nối nội dung về tiền tiểu học, hôm nay chúng ta hãy cũng tìm hiểu sâu hơn về môn toán trong chương trình này.

Các bài toán lớp 1 thường đơn giản, nhưng cũng có thể khiến các bạn nhỏ gặp nhiều bỡ ngỡ nếu chưa được tiếp xúc nhiều. Đó là lý do ba mẹ muốn các con làm quen với toán tiền tiểu học. 

Vậy các bé sẽ học gì trong chương trình này và cần lưu ý gì khi dạy và học, ba mẹ hãy cùng xem nhé! 

Toán tiền tiểu học cho bé
Toán tiền tiểu học cho bé

1. Toán tiền tiểu học bao gồm những gì? 

Trước khi ba mẹ bắt đầu dạy con toán tiền tiểu học, hãy cùng tìm hiểu xem chương trình này bao gồm những nội dung gì. 

1.1. Làm quen với các con số từ 1 đến 10

Hầu hết các bạn nhỏ ở độ tuổi này đều đã có thể đếm thuần thục từ 1 đến 10. Một số trẻ đã hiểu ý nghĩa của con số khi đếm các đồ vật tương ứng, một số bé thì nhớ theo kiểu thuộc lòng. Dù bé nhà bạn đang ở giai đoạn nào, thì bạn cũng nên tạo hứng thú để bé thích thú hơn với việc học số. 

1.2. So sánh

Các bé bắt đầu làm quen với khái niệm số lớn hơn, số nhỏ hơn tương ứng với số lượng nhiều hơn, số lượng ít hơn. 

1.3. Thêm, bớt

Thêm, bớt chính là các phép cộng trừ mà các bé sẽ học sau này. Bằng cách thêm, bớt các đồ vật trong phạm vi 5, các bạn nhỏ tiếp xúc với khái niệm phép cộng, phép trừ.

1.4. Hình học

Các bé ở giai đoạn tiền tiểu học đã nhận biết được một số hình cơ bản như hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn… Toán tiền tiểu học tạo điều kiện cho các bạn nhỏ ghi nhớ và vận dụng các hình dạng thuần thục hơn. 

Toán tiền tiểu học giúp trẻ nhận biết hình học bản 
Toán tiền tiểu học giúp trẻ nhận biết hình học bản

2. Các bước dạy toán tiền tiểu học cho bé

Bước 1. Dạy con hiểu ý nghĩa các con số

Như đã nói, trẻ ở độ tuổi này đã đếm thành thạo từ 1 đến 10 nhưng để hiểu được ý nghĩa các con số thì lại khác. Bạn nên dạy bé đếm số lượng rồi nối với số tương ứng để bé nhận biết con số và mối liên hệ giữa số lượng và chữ số. Bạn cũng có thể hỏi bé cách tạo các số 1, 6,8…

Bước 2. Đếm nhảy

Đếm nhảy tức là ba mẹ cho con đếm số theo kiểu cách nhau 2 đơn vị, 3 đơn vị. Đây thực ra là cách để bé hình thành phép cộng trong đầu một cách tự nhiên. 

Bước 3. Dùng các công cụ trực quan hỗ trợ

Để việc học không bị nhàm chán, ba mẹ sử dụng các đồ vật xung quanh như viên bi, đũa, thìa,…. Bé sẽ cảm thấy hứng thú và ghi nhớ dễ dàng hơn. 

Bước 4. Áp dụng các câu hỏi thú vị

Ba mẹ hãy hỏi bé các câu hỏi thú vị, đố vui về các con số để bé hiểu hơn về những gì mình được học. Ví dụ 9+0=?… Những dạng bài tập tư duy cho trẻ 5 tuổi cũng rất hữu ích với các bé. 

Bước 5. Sử dụng các hình thức học khác nhau

Thay đổi hình thức học là cách thức giúp bé duy trì hứng thú và muốn thực hành những con số đã biết. Sử dụng ngón tay để đếm số, học thông qua các trò chơi, làm các bài tập trong vở thực hành, làm quen với một số ứng dụng học số…

Ba mẹ cùng con học qua ứng dụng
Ba mẹ cùng con học qua ứng dụng

3. Tổng hợp các dạng toán tiền tiểu học

Dưới đây là liệt kê một số dạng toán tiền tiểu học cơ bản mà bé có thể hoặc nên được luyện tập trong quá trình tiếp xúc toán tiền tiểu học. 

  • Các bài tập tính cộng trừ trong phạm vi 0 đến 10. 
  • Tìm số lớn nhất, nhỏ nhất.
  • Viết theo thứ tự từ bé đến lớn, từ lớn đến bé.
  • Dạng bài so sánh: điền dấu >, <, = vào chỗ trống giữa hai số.
  • Toán tư duy: khi bé đã quen với các dạng bài trên, bạn áp dụng dạng toán tư duy tổng hợp như điền các dấu +, -, = để hoàn thành phép tính. 

4. Các lưu ý khi dạy bé toán tiền tiểu học

4.1. Sử dụng nhiều giáo cụ trực quan

Thực ra, trẻ vẫn đang quen với việc học mẫu giáo nên các giáo cụ trực quan bắt mắt là rất cần thiết. Chúng giúp thu hút sự chú ý và nâng cao khả năng ghi nhớ của trẻ. Ba mẹ có thể dùng các con số màu sắc, bảng tính, các đồ vật dụng hàng ngày… để đố bé làm toán. 

4.2. Các thủ thuật dạy và học khác nhau luôn có tác dụng

Thay vì ngồi vào bàn cặm cụi giải các phép tính, bé nên được cho tiếp xúc với các cách học khác nhau như đố vui, vừa hát vừa đếm…

Ngoài ra, việc học toán cần có sự liên hệ với thực tế. Bạn có thể hỏi bé đếm bậc thang, cộng số người hay tính tiền đi chợ…

Ba mẹ động viên để trẻ hứng thú học toán 
Ba mẹ động viên để trẻ hứng thú học toán 

4.3. Tạo không khí thoải mái

Bầu không khí học rất quan trọng trong việc tạo và duy trì hứng thú của con với việc học toán tiền tiểu học. Ba mẹ không nên vội vã, ép buộc con phải chạy theo chương trình mà nên dạy tùy vào khả năng tiếp thu của con. 

Thêm vào đó, bạn không nên có tâm lý so sánh mà tạo áp lực cho cả con và bản thân mình. Hãy thật thoải mái khi dạy con, và khen thưởng, động viên con khi cần thiết giúp con tiếp tục cố gắng. 

Ba mẹ không nên mắng hay trách phạt khi con làm sai mà nên bình tĩnh giải thích để con tiếp thu. Ba mẹ cũng nên lưu ý cho con làm các bài tập mức độ khó tăng dần để con thích nghi dần với các dạng bài tập. 

5. Lời kết

Toán tiền tiểu học có thể xem là bước đệm cho bé làm quen với các phép tính lớp 1 và khơi gợi hứng thú học của các bé. Hy vọng ba mẹ có thể áp dụng nhuần nhuyễn các bước trên và các bé đạt kết quả học tập tốt nhất.

Leave a Reply